Những đối tượng nào được bảo hộ theo quyền tác giả?

Giống như tất cả các lĩnh vực khác của quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đề cập tới việc bảo hộ các sản phẩm của trí tuệ của con người. Do vậy, trong bài viết này sẽ đề cập đến những đối tượng nào được bảo hộ theo quyền tác giả.

Phạm vi quyền tác giả

Phạm vi quyền tác giả là bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Các tác phẩm này bao gồm tác phẩm văn học, âm nhạc, các tác phẩm mỹ thuật như hội họa, điêu khắc, các tác phẩm dựa trên công nghệ như chương trình máy tính, cơ sở dữ liệu điện tử.

Lưu ý rằng quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm, đó là sự thể hiện ý tưởng chứ không phải nội dung ý tưởng đó. Vì vậy, nếu bạn tưởng tượng ra một cốt truyện, thì bản thân cốt truyện đó sẽ không được bảo hộ. Ví dụ, cốt truyện  của một câu chuyện kể về một đôi nam nữ yêu nhau bất chấp sự khác nhau về thân thế và địa vị xã hội sẽ không được bảo hộ.

Các nhà văn khác nhau có thể xây dựng các câu chuyện khác nhau dựa trên cùng một cốt truyện. Nhưng một khi bạn thể hiện cốt truyện đó trong một bản tóm tắt hoặc trong một truyện ngắn hoặc một vở kịch thì sự thể hiện cốt truyện đó sẽ được bảo hộ. Như vậy, vở kịch Romeo và Juliet của Shakespeare chẳng hạn sẽ được coi là một cách thể hiện mang tính sáng tạo cốt truyện đó. Tuy nhiên, các nhà văn khác cũng có thể xây dựng những câu chuyện mới dựa trên cốt truyện tương tự.

Các quyền được bảo hộ bởi quyền tác giả

Quyền sao chép

Quyền ngăn cản người khác sao chép các tác phẩm của họ là quyền cơ bản nhất trong quyền tác giả. Ví dụ, việc làm các bản sao của một tác phẩm được bảo hộ là hành vi được thực hiện bởi một nhà xuất bản có mong muốn phân phối các bản sao một tác phẩm dưới dạng văn bản tới công chúng, cho dù đó là bản sao dưới dạng in hay dưới dạng phương tiện truyền thông kỹ thuật số như CD-ROMS. Vì thế, quyền kiểm soát hành vi sao chép là cơ sở pháp lý đối với mọi hình thức khai thác các tác phẩm được bảo hộ.

Quyền biểu diễn, phát sóng và truyền đạt tới công chúng

Thông thường, theo luật pháp quốc gia, biểu diễn trước công chúng được coi là hình thức biểu diễn tác phẩm bất kỳ tại nơi công chúng có mặt hoặc có thể có mặt hoặc không phải là địa điểm công cộng nhưng có một số lượng người đáng kể không phải là những người trong phạm vi gia đình hoặc quan hệ xã hội thân thiết có mặt. Trên cơ sở quyền biểu diễn trước công chúng, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có thể cho phép biểu diễn trực tiếp tác phẩm, ví dụ như trình diễn một vở kịch ở nhà hát hoặc trình diễn một bản nhạc giao hưởng trong phòng hòa nhạc.

Quyền phát sóng bao gồm hình thức truyền đạt bằng phương tiện không dây tới công chúng nằm trong phạm vi phủ tín hiệu mà với thiết bị của họ (radio, tivi hoặc vệ tinh) sẽ cho phép nhận âm thanh hoặc âm thanh và hình ảnh. Khi một tác phẩm được truyền đạt tới công chúng, một tín hiệu được khuyếch tán qua dây điện hoặc cáp và chỉ những người truy cập vào thiết bị nối với hệ thống dây điện và cáp đó mới nhận được.

Quyền dịch và phóng tác

Việc dịch và phóng tác một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền đó. Dịch có nghĩa là việc thể hiện một tác phẩm bằng một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ của tác phẩm gốc. Phóng tác thường được hiểu là sự chuyển thể từ tác phẩm này thành tác phẩm khác, ví dụ chuyển thể một cuốn tiểu thuyết thành một tác phẩm điện ảnh, hoặc thay đổi một tác phẩm sao cho phù hợp với các điều kiện khai thác khác nhau.

Các tác phẩm dịch và phóng tác cũng được bảo hộ quyền tác giả. Vì vậy, để sao chép và công bố một tác phẩm dịch hoặc tác phẩm phóng tác thì phải có sự cho phép của cả chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc cũng như chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm dịch hoặc tác phẩm phóng tác.

Quy định về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật

. “Thuật ngữ “Các tác phẩm văn học và nghệ thuật” bao gồm:

–  Tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kể được thể  hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như sách, cuốn sách nhỏ, và các bài viết khác;

–  Các bài giảng, bài diễn văn, bài thuyết giáo và các tác phẩm cùng loại; các tác phẩm kịch hoặc nhạc kịch, các tác phẩm múa ba-lê hoặc kịch câm;

–  Các bản nhạc có lời hoặc không lời; các tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự với điện ảnh, tác phẩm đồ hoạ, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ và in thạch bản;

–  Tác phẩm nhiếp ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự như nhiếp ảnh; các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, minh họa, bản đồ, đồ án, bản phác hoạ và các tác phẩm ba chiều về địa lý, địa hình, kiến trúc hay khoa học[…..].

–  Các tác phẩm dịch, mô phỏng, soạn nhạc hoặc các hình thức chuyển thể khác từ các tác phẩm văn học và nghệ thuật được bảo hộ như các tác phẩm gốc miễn là không gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.

–  Tuyển tập các tác phẩm văn học và nghệ thuật như các bộ bách khoa toàn thư và các bộ hợp tuyển mà do việc chọn lọc hay sắp xếp nội dung tạo nên sự sáng tạo mang tính trí tuệ cũng được bảo hộ như tác phẩm gốc miễn là không gây phương hại đến quyền tác giả của mỗi tác phẩm tạo nên tác phẩm hợp tuyển hoặc bách khoa toàn thư này.”

Các tác phẩm văn học, nghệ thuật không bắt buộc phải là các tác phẩm hay hoặc có tính nghệ thuật. Tuy nhiên, các tác phẩm phải có tính nguyên gốc. Mỗi nước có quy định khác nhau về nội dung của yêu cầu này và thường được xác định theo luật án lệ.

Có thể nói một cách khái quát rằng những nước theo truyền thống luật án lệ có yêu cầu rất đơn giản về vấn đề này, chỉ cần tác phẩm đó không phải là bản sao từ một tác phẩm khác và chứng tỏ là tác giả đã đầu tư một số kỹ năng, công sức và nhận xét, đánh giá tối thiểu để tạo ra tác phẩm đó.

Liên hệ yêu cầu tư vấn bảo hộ quyền tác giả

Công ty Luật Việt Hung xin cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hộ quyền tác giả cụ thể:

–  Tư vấn pháp luật cho khách hàng liên quan đến nội dung tác phẩm cần bảo hộ để đảm bảo quyền lợi của tác giả

–  Hỗ trợ khách hàng soạn hồ sơ và thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký bảo hộ quyền tác giả.

Quý khách khách hàng có nhu cầu tư vấn, giải đáp thắc mắc liên quan đến bảo hộ quyền tác giả vui lòng liên hệ:

Công ty Luật Việt Hùng:

Địa chỉ: Số 06 ngách 43 ngõ 40 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: 0382353418

Email: hieubietphapluat.lienhe@gmail.com

Fanpage: Luật Việt Hùng

Tham khảo dịch vụ khác của chúng tôi: Tại đây

Tra cứu văn bản pháp luật: Tại đây.

5/5 - (3 bình chọn)
# Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon