Vấn đề pháp lý về hình thức của hợp đồng là một trong những thành phần quan trọng bởi nhu cầu gia tăng các giao dịch thương mại xuyên biên giới cũng như việc đạt được các mục tiêu hội nhập kinh tế của Việt Nam đặt ra đòi hỏi về hài hòa hóa pháp luật thương mại. Trong thời gian qua, pháp luật về hợp đồng của Việt Nam đã và đang ngày càng được xây dựng, sửa đổi theo hướng hài hòa hóa với pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Một trong những quy định cho thấy sự phát triển của pháp luật hợp đồng Việt Nam đó là quy định về hình thức của hợp đồng. Mời các bạn cùng Luật Việt Hùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Vấn đề pháp lý về hình thức của hợp đồng được quy định trong Luật dân sự cũ
Tại điều 400 của BLDS 1995 quy định về hình thức hợp đồng dân sự “1.Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
Khi các bên thoả thuận giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định, thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã tuân theo hình thức đó.
- Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải được chứng nhận của Công chứng nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, thì phải tuân theo các quy định này” và điều 139 quy định về Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức “Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự vô hiệu, nếu không được thể hiện bằng văn bản, không được Công chứng nhà nước chứng nhận, không được chứng thực, đăng ký hoặc cho phép, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện, thì giao dịch vô hiệu. Bên có lỗi làm cho giao dịch vô hiệu phải bồi thường thiệt hại.” Như vậy, theo BLDS năm 1995 thì trường hợp hợp đồng vi phạm về hình thức sẽ bị vô hiệu.
Đến BLDS 2005 tại Điều 401 quy định hợp đồng có thể được giao kết bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi, nếu pháp luật không yêu cầu hình thức nhất định. Trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được công chứng, chứng thực, đăng kí hay xin phép thì bắt buộc phải tuân thủ yêu cầu này. Như vậy, về cơ bản, pháp luật BLDS 2005 của Việt Nam cho phép giao kết hợp đồng dưới bất cứ hình thức nào, nếu không có yêu cầu luật định về hình thức văn bản. Mặc dù vậy, trong các trường hợp làm cho hợp đồng vô hiệu thì vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức chiếm tỉ lệ rất cao. Đó cũng được coi là “lỗ hổng” của BLDS năm 2005, gây nhiều vấn đề phức tạp cần được quan tâm trong thực tiễn.
Những quy định đổi mới về hợp đồng trong Luật dân sự 2015
Trước yêu cầu đó, BLDS năm 2015 có sự sửa đổi lớn về quy định này so với BLDS năm 2005 và đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề bất cập của BLDS năm 2005 trong lĩnh vực hợp đồng nói chung và hợp đồng vi phạm quy định về HTBB nói riêng. Kể từ khi BLDS năm 2015 có hiệu lực, việc áp dụng Điều 129 trong thực tiễn đã giải quyết được rất nhiều những vấn đề bất cập của BLDS năm 2005 trong xử lý các hợp đồng vi phạm HTBB là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Đối với những hợp đồng được giao kết và thực hiện sau ngày 01/01/2017 (là ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực) thì những quy định của BLDS năm 2015 được áp dụng để làm căn cứ giải quyết. Điều 119 BLDS năm 2015 kế thừa những quy định của BLDS năm 2005 như Điều 124, Điều 401 và có sự thay đổi như sau: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Đồng thời, khoản 2 Điều 117 BLDS năm 2015 cũng quy định: “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”. Như vậy, hình thức của hợp đồng chỉ là điều kiện có hiệu lực bắt buộc trong trường hợp luật có quy định, còn nếu không có một quy định cụ thể trong luật yêu cầu hình thức nhất định thì các bên chủ thể hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức của hợp đồng bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định 02 trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc trên, cụ thể là: “1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó; 2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.
Việc xác định một hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch phụ thuộc vào từng loại nghĩa vụ cụ thể. Ví dụ: Nếu là nghĩa vụ giao hàng thì phải giao được ít nhất 2/3 khối lượng hoặc số lượng hàng; nếu là nghĩa vụ trả tiền thì phải trả được ít nhất 2/3 số tiền; nếu nghĩa vụ là hoàn thành một công việc thì phải thực hiện được ít nhất 2/3 công việc;…
Thực tiễn áp dụng
Ví dụ 1. Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2017 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 573/2013/DS-GĐT ngày 16-12-2013 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế tài sản” tại tỉnh Vĩnh Phúc giữa nguyên đơn là chị Phùng Thị H1, chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị P với bị đơn là anh Phùng Văn T; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm chị Phùng Thị N2, chị Phùng Thị H3.
Tình huống án lệ:
Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó. Số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế. Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
– Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
Khoản 2 Điều 170, Điều 234, Điều 634, Điều 697 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương đương với khoản 2 Điều 221, Điều 223, Điều 612, Điều 500 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Ví dụ 2: Chị Ngô Minh P chuyển nhượng diện tích đất 2.000m2 cho chị Nguyễn Thị L với giá chuyển nhượng là 15 chỉ vàng 24k vào năm 1995 có làm giấy tay chuyển nhượng, chị L đã giao cho chị P 10 chỉ vàng 24k, chị P cũng đã giao đất cho chị L sử dụng nhưng chị P không sang tên giấy chứng nhận quyền sử đất cho chị L, nên chị L yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, để chị L được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị P không đồng ý do hiện tại giá đất đã lên nên chị L không đồng ý tiếp tục chuyển nhượng. Tòa án đã tuyên công nhận hợp đồng chuyển nhượng và buộc chị L trả tiếp cho chị P 5 chỉ vàng 24k còn lại, đồng thời được đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 2.000m2 theo quy định[1].
Ví dụ 3: Ông Phạm Văn Đ khởi kiện yêu cầu ông Phan Phú T, bà Võ Thị L trả cho ông Đ diện tích 2.130,1m2 do ông Đ cầm cố cho ông T vào năm 1982 với giá 04 chỉ vàng 24k; ông Đ đã nhận đủ số vàng 24k và đã giao đất cho ông T, bà L quản lý sử dụng, đất thuộc thửa 854, TBĐ số 4, tọa lạc ấp T, xã T, huyện C, tỉnh Đồng Tháp; năm 1999, ông Phạm Văn Đ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; ông Đ cho rằng, ông không có chuyển nhượng mà chỉ cầm cố mảnh đất này. Bị đơn ông Phan Phú T phản tố yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích 2.130,1m2 và cho rằng, mặc dù vào năm 1982, hai bên không làm hợp đồng chuyển nhượng nhưng ông T, bà L đã giao số vàng 02 chỉ vàng 24k và đã nhận đất để sử dụng đến khi trả 02 chỉ vàng còn lại ông Đ có làm biên nhận ngày 02/4/1994 với nội dung là nhận 02 chỉ vàng 24k để nhượng đất[2].
Như vậy, theo nguyên tắc chung thì các chủ thể được tự do lựa chọn hình thức của hợp đồng. Chỉ những giao dịch pháp luật quy định bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản, phải có chứng thực, chứng nhận, đăng kí hoặc xin phép mà các bên không tuân thủ quy định này mới bị vô hiệu. Tuy nhiên, giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó; Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó (trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực).
Đối chiếu quy định với các quốc gia khác
Đối chiếu với quy định của các quốc gia trên thế giới cho thấy quy định về hình thức của hợp đồng trong BLDS 2015 đã có sự thay đổi đáng kể so với BLDS 1995 và 2005. Pháp luật của các nước có sự đánh giá hình thức văn bản của hợp đồng không giống nhau, có những yêu cầu về hình thức văn bản của hợp đồng, và không có pháp luật của nước nào quy định mọi trường hợp vi phạm hình thức mà pháp luật quy định là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng – đều làm cho hợp đồng vô hiệu nhưng cũng không có hệ thống pháp luật nào miễn trừ hoàn toàn các yêu cầu về hình thức.
Pháp luật của Pháp coi trọng chức năng chứng cứ của hình thức văn bản hơn là căn cứ để xác định hiệu lực của hợp đồng, tức là thực hiện chức năng chứng cứ. Không tuân thủ hình thức văn bản do luật định không dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng mà chỉ làm cho việc chứng minh sự tồn tại của hợp đồng trở nên khó khăn hơn, hay nói cách khác là xác định hiệu lực của hợp đồng trở nên khó khăn.
Pháp luật của Đức và các nước thuộc gia đình pháp luật Đức dường như khắt khe hơn pháp luật của Pháp khi quy định hình thức của hợp đồng. Có thể nói rằng, pháp luật của Đức coi việc tuân thủ hình thức văn bản do luật định là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Không tuân thủ hình thức văn bản có thể dẫn tới sự vô hiệu của hợp đồng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử ở Đức cho thấy, quy định về hình thức bắt buộc của hợp đồng không được áp dụng một cách máy móc mà tuỳ thuộc vào hành vi của các bên. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến mua bán bất động sản, toà án Đức thường xem xét hành vi của các bên có phù hợp với nguyên tắc thiện chí hay không xuất phát từ những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể.
Pháp luật của Hoa Kỳ, Điều 2-201 UCC quy định, hợp đồng mua bán có giá trị từ 5.000 USD phải được ký kết bằng văn bản, nếu không tuân thủ hình thức văn bản thì hợp đồng vẫn có thể có giá trị pháp lý nhưng các bên khó có thể bảo về được quyền lợi của mình tại toà, bởi lẽ không có chứng cứ. Từ năm 1982 trong pháp luật Hoa Kỳ hình thành nguyên tắc: hợp đồng về chuyển quyền sở hữu đối với đất đai vi phạm yêu cầu về hình thức có thể không bị coi vô hiệu, nếu nguyên đơn có đầy đủ cơ sở tin rằng hợp đồng đã được ký kết và đã làm phát sinh hiệu lực, và trong trường hợp này, để đảm bảo sự công bằng, việc yêu cầu thực hiện hợp đồng phải được chấp nhận.
Pháp luật của Hoa kỳ cho phép giao kết hợp đồng dưới bất cứ hình thức nào, nếu không có yêu cầu luật định về hình thức văn bản. Tuy nhiên, pháp luật Hoa Kỳ khái quát hoá các trường hợp bắt buộc phải lập văn bản hợp đồng, còn Việt Nam chỉ quy định chung chung là pháp luật sẽ quy định loại hợp đồng phải được giao kết bằng hình thức nhất định. Bên cạnh đó, nếu như ở Hoa Kỳ, các loại hợp đồng bắt buộc phải kí bằng văn bản được liệt kê cụ thể ở một văn bản pháp luật của bang nhằm chống các hành vi gian dối thì ở Việt Nam, hình thức văn bản của hợp đồng là do các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định trong từng lĩnh vực cụ thể. Vì thế, ở Việt Nam khó có thể xác định một cách tổng quát những loại hợp đồng nào phải kí bằng văn bản, với mỗi loại hợp đồng cần phải tìm quy định trong văn bản pháp luật chuyên ngành.
Một điểm khác biệt nữa, đó là theo pháp luật Hoa Kỳ, vi phạm về hình thức khiến hợp đồng không thể thực thi được, tức là toà án sẽ không can thiệp buộc thực thi hợp đồng; còn ở Việt Nam theo quy định BLDS 1995 vi phạm hình thức có thể dẫn đến hậu quả làm hợp đồng vô hiệu nếu pháp luật có quy định. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp hợp đồng thời gian qua cho thấy toà án đã tuyên bố nhiều hợp đồng bị vô hiệu do vi phạm về hình thức (ví dụ: hợp đồng mua bán nhà không có công chứng, chứng thực hợp lệ).
Sự thay đổi của BLDS 2015 khi đưa ra những trường hợp ngoại lệ cho thấy pháp luật Việt Nam đã có những thay đổi về hình thức của hợp đồng phù hợp với thực tiễn giao dịch ở Việt Nam và phù hợp với pháp luật thế giới.
Luật Việt Hùng cung cấp dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp!
Địa chỉ: Số 06 ngách 43 ngõ 40 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 0382353418
Email: hieubietphapluat.lienhe@gmail.com
Tra cứu văn bản pháp luật: Tại đây
Tham khảo các bài viết khác: Tại đây
Tham khảo dịch vụ của chúng tôi: Tại đây