Sau khi tham gia Công ước 1958 vào năm 1995, Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của Công ước thể hiện tại Pháp lệnh công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài của Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành ngày 14/9/1995, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1996; sau đó là BLTTDS năm 2004, nay là BLTTDS năm 2015, làm cơ sở pháp lý cho việc công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài. Vậy việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài cần lưu ý những gì, mời các bạn cùng Luật Việt Hùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài
Vấn đề công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài hiện đã được quy định tại Phần thứ bảy (Chương XXXV và Chương XXXVII): Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài của BLTTDS năm 2015.
Theo đó, cơ quan nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài được quy định tại Điều 451 BLTTDS 2015: “1. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan để yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết đó”.
Điều 451 BLTTDS 2015 cũng có quy định mới theo hướng đương sự được quyền nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền của Việt Nam.
Đương sự chỉ nộp đơn này tại Bộ Tư pháp Việt Nam nếu có điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cách thức nộp đơn như vậy.
Việc thay đổi cơ quan nhận đơn yêu cầu công nhận xuất phát từ thực tế chỉ có một số điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế song phương về tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên quy định cách nộp đơn yêu cầu công nhận thông qua các cơ quan trung ương (Bộ Tư pháp mỗi nước thành viên) cũng như mục đích cắt giảm khâu trung gian để tiết kiệm nguồn nhân lực, tài chính của Nhà nước phải sử dụng cho việc nhận hồ sơ yêu cầu công nhận.
Cụ thể, kết quả rà soát các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài cho thấy chỉ có:
– 6/17 Hiệp định, thỏa thuận (giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, Ca-dắc-xtan, Trung Quốc, Bun-ga-ri, Đài Loan và Lào) có quy định đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài được gửi đến Bộ Tư pháp của mỗi bên.
– Có 3/17 Hiệp định (giữa Việt Nam với Lào, Nga, Tiệp Khắc (Séc và Xlô-va-ki-a kế thừa) quy định quy định đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài được gửi đến Tòa án có thẩm quyền của mỗi nước.
– Có 4/17 Hiệp định (giữa Việt Nam với Cu Ba, Hung-ga-ri, Bê-la-rút, Ba Lan) không có quy định về việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
– Có 5/17 Hiệp định (giữa Việt Nam với Mông Cổ, An-giê-ri, Pháp, Bắc Triều Tiên, U-crai-na) có quy định về việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài nhưng không có quy định đơn yêu cầu công nhận phải chuyển tới Bộ Tư pháp của mỗi nước.
Bên cạnh đó, thực tiễn giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài của các nước cho thấy yêu cầu công nhận thường được nộp hoặc đăng ký trực tiếp tại Tòa án hơn là nộp đơn yêu cầu tại Bộ Tư pháp nước có Tòa án xem xét yêu cầu công nhận.
Quy định về thẩm quyền nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
Để cụ thể hóa quy định cho phép đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam, Điều 37, 38 và 39 BLTTDS 2015 đã quy định Tòa án có thẩm quyền nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài là Tòa án cấp tỉnh nơi người phải thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài cư trú, làm việc hoặc nơi người phải thì hành có trụ sở hoặc nơi người phải thi hành có có tài sản.
Cũng cần nói thêm rằng trong quá trình soạn thảo các quy định này của BLTTDS, việc tiếp tục giao cho 63 Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền nhận và xem xét giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài là một trong những vẫn đề được hết sức quan tâm, thảo luận với nhiều loại ý kiến khác nhau.
Kiến nghị sửa đổi thẩm quyền nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
Có một số ý kiến cho rằng, BLTTDS nên sửa đổi theo hướng chỉ giao thẩm quyền này cho 3 Tòa án: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và 03 Tòa án cấp cao tương ứng thay vì tiếp tục kế thừa quy định của BLTTDS 2004 giao thẩm quyền này cho tất cả 63 Tòa án cấp tỉnh. Bởi lẽ, từ khi ban hành BLTTDS 2004 đến nay, gần như các đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài đều được nộp và giải quyết tại các Tòa án nêu trên. Tình hình đó xuất phát từ việc bên phải thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài chủ yếu là các doanh nghiệp có trụ sở tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Trong tương lai, tình hình này vẫn không thay đổi vì 3 thành phố này đều là những địa bàn trung tâm về kinh doanh, thương mại, tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu hàng hóa quốc tế. Như vậy, việc giao thẩm quyền cho 3 Tòa án thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại địa bàn của từng thành phố và các tỉnh, thành phố khác là hoàn toàn phù hợp thực tiễn. Mặt khác, cũng phù hợp với thẩm quyền theo lãnh thổ của 03 Tòa án cấp cao khi xem xét kháng cáo, kháng nghị về quyết định của Tòa án Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, thì thấy rằng các nước đều quy định một hoặc một số Tòa án cụ thể có thẩm quyền xem xét công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Ví dụ: tại Ma-lai-xi-a, thẩm quyền này thuộc về Tòa án cấp cao; tại Đức, Tòa án cấp cao khu vực; tại Italia, Tòa phúc thẩm Rôma; tại Pháp, Tòa án sơ thâm Pa-ri; tại Ấn độ, Tòa án cấp cao.
Ngược lại, nhiều ý kiến khác cho rằng, việc giao thẩm quyền cho 03 Tòa án nêu trên là không phù hợp, không tạo điều kiện cho Tòa án cấp tỉnh khác nâng cao năng lực đề đáp ứng nhiệm vụ cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án, theo đó các Tòa án này phải ngày càng phấn đấu giải quyết tốt, hiệu quả cả vụ việc dân sự trong nước cũng như có yếu tố nước ngoài trong thời điểm hiện tại cũng như trong nhiều năm tới.
Bên cạnh đó, việc giao thẩm quyền cho 03 Tòa án cấp tỉnh và 03 Tòa án cấp cao sẽ gây khó khăn về việc đi lại, tốn kém về tài chính cho người phải thi hành phán quyết để tham gia việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
Qua đối chiếu so sánh với pháp luật của các quốc gia khác, BLTTDS 2015 đã giữ nguyên thẩm quyền này cho tất cả 63 Tòa án cấp tỉnh và đưa việc giao thẩm quyền xem xét, công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài cho 3 Tòa án Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được tiến hành hành nghiên cứu, đánh giá.
Liên hệ yêu cầu tư vấn về các vấn đề thi hành án tại Việt Nam
Công ty Luật Việt Hùng xin cung cấp dịch vụ tư vấn về các vấn đề thi hành án cụ thể:
– Tư vấn pháp luật cho khách hàng liên quan đến việc thi hành án.
– Hỗ trợ khách hàng soạn thảo toàn bộ các văn bản yêu cầu thi hành án
– Thay mặt khách hàng thực hiện các thủ tục thi hành án.
Quý khách khách hàng có nhu cầu tư vấn, giải đáp thắc mắc liên quan đến thi hành án vui lòng liên hệ:
Công ty Luật Việt Hùng:
Địa chỉ: Số 06 ngách 43 ngõ 40 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 0382353418
Email: hieubietphapluat.lienhe@gmail.com
Fanpage: Luật Việt Hùng
Tham khảo dịch vụ khác của chúng tôi: Tại đây
Tra cứu văn bản pháp luật: Tại đây.
Tham khảo các bài viết khác: Tại đây
Tham khảo dịch vụ của chúng tôi: Tại đây