Điều kiện để một tác phẩm được coi là công bố

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền công bố tác phẩm là quyền nhân thân duy nhất gắn với các quyền tài sản và có thể chuyển giao, về thời hạn bảo hộ tương đương với thời hạn bảo hộ quyền tài sản. Vậy điều kiện để một tác phẩm được coi là công bố khi thỏa mãn những gì, mời các bạn cùng Luật Việt Hùng và Cộng sự theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Khái niệm




  • Khái niệm “Tác phẩm”:

Theo khoản 1 Điều 2 Công ước Berne: “Thuật ngữ “Các tác phẩm văn học và nghệ thuật” bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như sách, tập in nhỏ và các bản viết khác, các bài giảng, bài phát biểu, bài thuyết giáo và các tác phẩm cùng loại;…” [1]

Còn theo khoản 7 Điều 4 Luật SHTT Việt Nam thì “tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. [2]

Tác phẩm – với tư cách là đối tượng của quyền tác giả có các đặc điểm sau:

+ Tác phẩm phải là sự sáng tạo trực tiếp của con người, bởi vậy tác phẩm phải mang dấu ấn cá nhân của con người/từng con người cụ thể.

+ Tác phẩm phải là sản phẩm trí tuệ do con người sáng tạo chứ không chỉ đơn thuần là các dạng sản phẩm chỉ được hình thành bằng kết quả lao động của con người mà không chứa đựng một hàm lượng chất xám nhất định.

+ Tác phẩm là sản phẩm trí tuệ nguyên gốc mang đặc trưng riêng biệt của người sáng tạo.

+ Tác phẩm mang đặc tính vô hình, nên việc chiếm hữu tác phẩm cũng không thể là một trong các yếu tố xác nhận quyền sở hữu của người chiếm hữu tác phẩm.

+ Tác phẩm được thể hiện thông qua một dạng vật chất nhất định, hay nói cách khác tác phẩm phải được định hình trong một phương tiện thể hiện cụ thể.

Như vậy, tác phẩm được hiểu là các sản phẩm trí tuệ do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào thông qua một dạng vật chất nhất định.

  • Khái niệm “công cố tác phẩm”:

Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm, do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo Khoản 2 Điều 22 Nghị định 100/2006/NĐ-CP về quyền tác giả và quyền liên quan ta có khái niệm công bố tác phẩm như sau: “Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm, do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Công bố tác phẩm không bao gồm việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc trước công chúng một tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc.”[3]

Như vậy, công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm là việc công bố tác phẩm là việc trình bày tác phẩm trước công chúng với các hình thức như thuyết trình, trình bày, biểu diễn, xuất bản, phát thanh, truyền hình, và các hình thức khác mà công chúng có thể tiếp nhận được. Việc có được công bố hay không còn tùy thuộc vào loại hình tác phẩm như việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, đọc trước công chúng một tác phẩm văn học, phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật, trưng bài tác phẩm tạo hình, xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc. Đây là những tác phẩm rất đặc thù vì thế nếu xem là công bố thì sẽ dẫn đến hệ quả phát sinh. Nó bao gồm các giới hạn về quyền tác giả, ảnh hướng trực tiếp đến mặt kinh tế tác giả và chủ sở hữu tác phẩm.[4]

Điều kiện để một tác phẩm được coi đã công bố

Theo quy định công ước Berne, “tác phẩm đã công bố” là những tác phẩm đã được phát hành với sự đồng ý của tác giả, không phân biệt phương pháp cấu tạo các bản sao, miễn là các bản đó đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng, tuỳ theo bản chất của tác phẩm.

Không được coi là công bố: trình diễn một tác phẩm sân khấu, nhạc kịch hay hoà tấu, trình chiếu tác phẩm điện ảnh, đọc trước công chúng một tác phẩm văn học, phát thanh hay truyền hình một tác phẩm văn học hay nghệ thuật, triển lãm một tác phẩm nghệ thuật hay xây dựng một tác phẩm kiến trúc (Điều 3 công ước Berne)[5].

Như vậy, một tác phẩm được công bố khi nó được phát hành bản sao tác phẩm đến công chúng, với số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm, với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Các hành vi trình diễn một tác phẩm sân khấu, âm nhạc, trình chiếu tác phẩm điện ảnh, đọc trước công chúng, phát sóng một tác phẩm văn học, trưng bày tác phẩm tạo hình, xây dựng tác phẩm kiến trúc không được coi là công bố tác phẩm.

Theo mối liên hệ cá nhân giữa tác giả với tác phẩm, sau khi tác phẩm hoàn thành, tác giả có quyền tự mình quyết định có nên công bố phổ biến tác phẩm hay không. Hay hiểu theo cách khác việc công bố hay không công bố, công bố ở đâu, thời gian nào, bằng hình thức gì… đều do cá nhân tác giả quyết định.

Ý nghĩa pháp lý của việc công bố tác phẩm.





Việc xác định xem một tác phẩm được công bố hay chưa là một vấn đề quan trọng vì một số lý do sau:

– Việc xác định một tác phẩm đã được công bố có nghĩa xác định thời điểm công bố tác phẩm đó. Thời điểm này có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ tính thời hạn bảo hộ của tác phẩm. Việc công bố tác liên quan đến việc hưởng thời hạn bảo hộ quyền tác giả, đặc biệt là đối với các tác phẩm tính thời hạn bảo hộ không theo nguyên tắc đời người, như tác phẩm điện ảnh, tác phẩm di cảo và tác phẩm không rõ tác giả hoặc tác phẩm khuyết danh, tác phẩm phát sóng. Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.

– Việc xác định tác phẩm đã được công bố xác định giới hạn lãnh thổ mà tác phẩm được bảo hộ bởi lẽ phạm vi bảo hộ quyền tác giả mang tính lãnh thổ.

– Việc xác định tác phẩm đã được công bố xác định giới hạn quyền tác giả và quyền liên quan. Giới hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan chính là các trường hợp sử dụng tác phẩm không cần xin phép, không cần trả tiền nhuận bút, thù lao được quy định tại Điều 25 và Điều 32 Luật SHTT. Chỉ những tác phẩm “đã được công bố” mới có thể được áp dụng hai điều luật nêu trên mà thôi.

– Tình trạng đã công bố có thể ảnh hưởng đến tính hợp lệ của bản quyền. Việc đăng ký một tác phẩm trước khi công bố hoặc trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác tạo thành bằng chứng rõ ràng về tính hợp lệ của bản quyền và các dữ kiện trên giấy chứng nhận đăng ký.

– Trạng thái đã công bố ảnh hưởng đến thời gian chủ sở hữu bản quyền có thể xác định các thiệt hại theo luật định.

Như vậy, có thể thấy rằng việc công bố tác phẩm có ý nghĩa lớn với chính tác giả, chủ sở hữu tác phẩm nói riêng và xã hội nói chung. Việc công bố tác phẩm là rất cần thiết, có nên chăng, pháp luật nên quy định nó là quyền và nghĩa vụ của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chứ không chỉ là quyền như hiện nay.

Liên hệ yêu cầu tư vấn công bố tác phẩm

Công ty Luật Việt Hùng xin cung cấp dịch vụ công bố tác phẩm cụ thể:

–  Tư vấn pháp luật cho khách hàng liên quan đến nội dung về tác phẩm.

–  Hỗ trợ khách hàng soạn hồ sơ và thực hiện các thủ tục để công bố tác phẩm.

–  Hỗ trợ khách hàng giải quyết các tranh chấp liên quan đến tác phẩm.

Quý khách khách hàng có nhu cầu tư vấn, giải đáp thắc mắc liên quan đến công bố tác phẩm vui lòng liên hệ:

Công ty Luật Việt Hùng:

Địa chỉ: Số 06 ngách 43 ngõ 40 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: 0382353418

Email: hieubietphapluat.lienhe@gmail.com

Fanpage: Luật Việt Hùng

Tham khảo dịch vụ khác của chúng tôi: Tại đây

Tra cứu văn bản pháp luật: Tại đây.

Tham khảo các bài viết khác: Tại đây

5/5 - (2 bình chọn)
# Bài liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon